Trung Le – 08/03/2023
Đây là loạt bài về 2 loại giày có bề ngoài tương đối giống nhau, thuộc bộ phận quân trang lính Mỹ active duty (để làm nhiệm vụ) giai đoạn Thế Chiến II trở về trước (khoảng 1900-1950). Chính vì tuổi đời đã lâu và ngoại hình tương đồng nên khá nhiều bài viết, các thương hiệu giày đăng thông tin chưa chuẩn xác về 2 mẫu giày nên dễ gây bối rối với các bạn đang quan tâm. Bài viết này mình sẽ tổng hợp tất cả thông tin tìm hiểu được và từ những brand chuyên sản xuất đồ repro (tái bản).
*Để đơn giản hoá, mình sẽ chỉ tập trung phân biệt 2 mẫu giày mà không đi sâu vào các phân khúc chuyên biệt vì có rất nhiều biến thể.
▪️ Trong tiếng Anh, ‘service’ còn có nghĩa là phục vụ (quân ngũ), nằm trong cụm ‘serve the country’ – phục vụ / cống hiến cho tổ quốc. Vậy nên hiểu đơn giản Service Boot là các loại giày dành cho quân nhân. Khác với phân chia bây giờ có Military Boot / Combat Boot…, dù đang trong nhiệm vụ (chiến tranh, đổ bộ xâm nhập, canh giữ…) hay thực hiện nghi lễ, quân đội Mỹ trước 1950 vẫn sử dụng các mẫu giày gọi chung Service Shoe, chỉ khác loại da và màu sắc. Lúc này giày 6″ trở xuống được gọi là Shoe, các loại từ 8″ lên mới gọi là Boot.
▪️ Thế giới những năm 1900-1950 trải qua rất nhiều biến động, nước Mỹ cũng có ảnh hưởng từ sau cuộc Nội Chiến, tranh giành thuộc địa các bên, 2 cuộc Thế Chiến thứ I và II, nên giày lính giai đoạn này phải đáp ứng tiêu chí: rẻ, sản xuất nhanh, và quan trọng nhất là bền. Có rất nhiều bên cung cấp Service Shoe cho quân đội, mỗi brand có khác biệt riêng theo sở trường và yêu cầu đơn hàng, nhưng đặc trưng nhất là thiết kế đơn giản, da bò roughout (da lộn để chống chịu môi trường, hạn chế nứt gãy bề mặt khi bị ẩm-khô liên tục), thuộc chrome-tanned để làm mềm + tạo tính chống nước tự nhiên và veg-tanned lần nữa để gia tăng độ bền chắc, unstructured toe box (mũi mềm ko độn), cấu trúc Goodyear Welt, chiều cao 6″ vừa qua mắt cá chân. Một điều ae có thể thấy lạ là giày lính cần thao tác nhanh mà dùng eyelet chứ không có speedhooks, mình tin rằng nếu quen thì eyelet cột đủ-để-đi nhanh hơn, dùng được trong bóng tối không cần nhìn, bền hơn cũng như không tuột trong quá trình sử dụng.
2 điểm phân biệt đáng chú ý nhất giữa Boondocker và M43 đó là last, thời gian cấp phát và đơn vị lính sử dụng.
▪️ Boondocker xuất phát từ chữ ‘bundok’ trong tiếng Philippines dùng để mô tả địa hình đồi núi – rừng nhiệt đới – khu vực bờ biển. Khi lính Mỹ hoạt động tại đây, Boondocker được ưa chuộng nhất so với các loại giày khác nên đã gây ấn tượng luôn với dân bản địa. Được cấp phát cho lực lượng USMC (US Marine Corp – lính thủy đánh bộ) trực thuộc US Navy (hải quân Mỹ) giai đoạn 1941 đến đầu 1944, giày Boondocker USN Field Shoe có last narrower shaped thiết kế riêng với form slim thon gọn ôm sát bàn chân, fit chuẩn từng size, có từ 7-9 hàng lỗ ở cùng chiều cao 6″, đế cao su trộn bần.
▪️M43 Service Shoe (US Army Type III) là mẫu giày cải tiến dành cho US Army (bộ binh Mỹ) từ Tháng 6 năm 1943 và được thay thế bởi mẫu Double Buckle Combat Boot cuối 1944. M43 lấy thiết kế từ mẫu USN Field Shoe – Boondocker sau 2 bản Type I – II sử dụng da trơn, mũi structured, có một số thay đổi với bộ đế full cao su và last Munson. Phiên bản đầu tiên có gia cố đinh tán ở thân giày, sau được loại bỏ từ Mùa Hè năm 1944. Giày có đế bằng nhựa tổng hợp hoặc cao su tái chế từ vỏ bánh xe do thiếu hụt nguồn cung trong chiến tranh. Last Munson được bác sĩ quân y Edward Luman Munson thiết kế năm 1912, dành cho đàn ông Mỹ trưởng thành với mục đích phù hợp các dáng chân cơ bản, mũi rộng thoải mái, ôm eo và hỗ trợ lòng bàn chân theo tiêu chí công thái học. Khi tác chiến, binh sĩ Mỹ thường phủ dầu dưỡng hoặc cao su nấu chảy lên da để tăng độ trượt nước, làm tối màu xuống và thường mang kèm Đai Chân Vải ‘có thể tháo rời’ M38.
▪️Cấu trúc chắc chắn bền bỉ, độ thoải mái tốt, vẻ ngoài đơn giản dễ phối đồ và nguồn cung lớn, M43 Service Shoe tuy thời gian áp dụng quân ngũ không cao (khoảng 18 tháng) nhưng rất được thị trường ưa chuộng sau chiến tranh để làm giày lao động, săn bắn câu cá và các hoạt động ngoài trời khác. Tuy vậy cú hít đưa tên tuổi mẫu giày này phổ biến trên toàn thế giới phải đến năm 1963 khi xuất hiện trong bộ phim ‘The Great Escape’, mang bởi diễn viên huyền thoại Steve Mc Queen cùng bộ trang phục áo khoác phi công A-2, áo nỉ xanh navy và chiếc quần khakis quân đội màu vàng cát cưỡi con xe Triumph TR6R Trophy 650cc.
Với sức ảnh hưởng của US Field Shoe, độ phổ biến cùng giá trị thời gian không bao giờ lỗi thời, mỗi bootmakers đều mong muốn tạo ra một phiên bản Boondocker/M43 Service boot độc đáo dành riêng. Cá nhân mình là một người chịu ảnh hưởng bởi văn hoá đồ thủ công, thích cái đẹp lẫn công năng thực dụng, mục tiêu tạo ra Akito Boondocker Boot là mẫu giày ‘lấy cảm hứng’ nhưng phù hợp chân người Việt, chất lượng nước ngoài, ôm gọn như giày Nhật mà đi êm như giày Mỹ.
_________________________________